Tại Công văn 04/2020/CV-VASEP gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, VASEP kiến nghị cơ quan này văn bản hướng dẫn các Cơ quan BHXH cấp tỉnh, thành phố không thực hiện quy định yêu cầu các DN phải báo giảm sớm vào cuối tháng trước đối với những trường hợp lao động nghỉ việc từ ngày 1 đến ngày 15 của tháng sau mà áp dụng chế độ khai báo và quyết toán như trước kia để các DN đảm bảo thực hiện đúng Luật và để quy trình trên hợp nhất với BHXH cũng như Luật BHXH, BHYT. Đồng thời, VASEP cũng đề nghị những DN đã đóng tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm do phát sinh những trường hợp lao động nghỉ việc được trả lại hoặc khấu trừ vào các lần thu nộp tiếp theo.
Thực hiện Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, Cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố đã yêu cầu các DN phải báo giảm sớm vào cuối tháng trước đối với những trường hợp nghỉ việc từ ngày 1 đến ngày 15 của tháng sau.
Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm lao động do nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động… chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm đến hết tháng gửi danh sách báo giảm cho cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, trong thực tế tại các DN, có nhiều trường hợp không thể thực hiện được việc báo giảm lao động sớm vào cuối tháng trước do: Công nhân viên ký kết hợp đồng thời vụ: đối tượng này chỉ cần báo trước ngày nghỉ việc ít nhất 3 ngày theo quy định của Pháp luật; Công nhân viên tự ý bỏ việc và không thông báo tới người sử dụng lao động.
Hơn nữa, người lao động không đi làm, không tạo ra doanh thu mà BHXH lại dồn chi phí rủi ro của việc báo giảm chậm này cho DN là không thỏa đáng. Do vậy, việc thực hiện quy trình báo giảm lao động mới này là không thể thực hiện được và chưa phù hợp với quy trình báo giảm lao động của BHXH, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.
Bất cập về tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên
Điều 55 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định:
“Điều 55 Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
1. Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở;
2. Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;”
Theo đó, các dự án trước đây DN đã được Nhà nước giao đất đã nộp tiền sử dụng đất đều bị loại quy định này và phải dùng từ “thuê đất”. Quy định này dẫn đến bất cập là DN đầu tư lâu dài làm tăng giá trị đất đai của DN và của cả vùng lân cận. Nhưng đất này của DN vẫn là đất “thuê” nên không được định giá theo giá thị trường mà định giá bằng tiền thuê đất đã bỏ ra trước đây. Điều này làm giảm giá trị thực tài sản của DN (cũng là tài sản của đất nước) khi định giá để hợp tác đầu tư hoặc gọi vốn bên ngoài với một tổ chức, DN nước ngoài.
Do đó, VASEP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có văn bản hướng dẫn hoặc trình Chính phủ phương án cụ thể để cho DN được tính đất sử dụng của DN theo giá thị trường khi làm thủ tục hợp tác đầu tư hoặc gọi vốn bên ngoài.
Thủ tục điều chỉnh Giấy Chứng nhận đầu tư/Chủ trương đầu tư
Bất cập khi phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mặc dù chỉ đầu tư rất ít trang thiết bị:
Theo Điều 32, 33, 34, 36 thuộc Mục 3 “Thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhặn đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư” Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2014 đã quy định:
Theo Điều 33: (1) Trường hợp thay đổi tên dự án đầu tư, địa chỉ của nhà đầu tư hoặc thay đổi tên nhà đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo tài liệu liên quan đến việc thay đổi tên, địa chỉ của nhà đầu tư hoặc tên dự án đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
(2) Trường hợp điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng; mục tiêu, quy mô dự án đầu tư; vốn đầu tư của dự án, tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; thời hạn hoạt động của dự án; tiến độ thực hiện dự án đầu tư; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (nếu có) và các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có), nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Mục 1, Điều 34: “Trường hợp điều chỉnh mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính; tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng vốn đầu tư làm thay đổi mục tiêu, quy mô và công suất của dự án đầu tư; điều chỉnh thời hạn thực hiện của dự án đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có), nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu t …”
Theo đó, khi mở rộng, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, DN đang phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính khá phức tạp, gây tốn kém thời gian và chi phí dù DN chỉ thay đổi rất ít về công nghệ, máy móc, trang thiết bị.
Với các dự án trước đây đã được UBND tỉnh giao đất không qua đầu giá: khi DN mở rộng, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ thì DN phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh giấy CN đầu tư (thủ tục Điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư với UBND Tỉnh, và thủ tục điều chỉnh giấy CN đầu tư với Sở KH-ĐT)
Với dự án đấu giá đất: tuy không phải thực hiện thủ tuc Xin QĐ chủ trương đầu tư Khi thay đổi 1/trong các mục sau: (điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng; mục tiêu, quy mô dự án đầu tư; vốn đầu tư của dự án, tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; thời hạn hoạt động của dự án; tiến độ thực hiện dự án đầu tư; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (nếu có) v à các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có), nhà đầu tư phả I làm Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư (Điều 33).
Các DN đã đầu tư xây dựng nhà xưởng vào giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới (áp dụng Luật Đất đai 1993) đã được UBND Tỉnh giao đất/cho thuê đất (không qua đầu giá). Đến nay DN muốn đầu tư nâng cấp đổi mới máy móc thiết bị trên mảnh đất/Nhà xưởng cũ của mình (dù mục tiêu không đổi) đều phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mà thủ tục này phức tạp gần như thủ tục xin đầu tư ban đầu (phải nộp Hồ sơ tại Sở KHĐT; Làm thủ tục xin ý kiến các ban ngành của tỉnh, thành phố (UBND tỉnh/thành phố, Sở Xây dựng, Sở TNMT, Sở NNPTNT…) và xin quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư) mặc dù DN đầu tư không nhiều trang thiết bị.
Ví dụ: trước đây, DN đầu tư nhà xưởng là 90 tỷ đồng. Theo quy định nếu DN thay đổi vốn đầu tư 10% thì phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Do đó, đến khi DN mua thêm 01 máy cấp đông (trị giá 10 tỷ đồng), DN cũng phải điều chỉnh làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Trong quá trình hoạt động SX, KD của mình, DN phải trải qua việc mở rộng, đổi mới công nghệ, máy móc trang thiết bị liên tục, hợp lý hóa dây chuyền SX… Do đó, DN cũng phải trải qua rất nhiều lần làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư… khiến DN mất rất nhiều thời gian và chi phí cho hoạt động này trong khi thực chất nhiều thay đổi không cần thiết phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bất cập trong quy định cấp phép xây dựng cho các khu đất của DN cần hợp thửa
Trường hợp DN đổi mới công nghệ, theo yêu cầu thiết kế DN phải xây dựng lại nhà máy/dây chuyền trên 2 thửa đất. Tuy nhiên:
(1) Sở Xây dựng không cấp phép Xây dựng mà yêu cầu DN phải hợp chung 1 thửa
(2) Luật Đất đai 2013 chưa cho phép DN hợp thửa nhiều QĐ giao đất khác nhau.
(3) Thủ tục hợp thửa đất (theo khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ TNMT quy định về hồ sơ địa chính) chỉ áp dụng với hộ gia đình, cá nhân, còn đối với DN vẫn chưa có quy định.
Do đó, đến nay DN vẫn rất khó khăn trong việc xin Giấy phép Xây dựng trong trường hợp phải xây dựng chung nhà xưởng trên nhiều thửa đất, ảnh hưởng đến việc đầu tư, đổi mới công nghệ của DN.
Bất cập trong quy định thủ tục điều chỉnh đánh giá ĐTM :
Khi DN đầu tư nâng cấp đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất /giảm ô nhiễm (nước thải, chất thải, …), do DN phải thay đổi công nghệ, trang thiết bị mới tiên tiến hơn, DN lại phải làm lại các thủ tục từ đầu từ điều chỉnh Chủ trương đầu tư, điều chỉnh giấy CN đầu tư, ĐTM, Giấy phép Xây dựng, PCCC, BVMT... gây tốn kém rất nhiều về thời gian, chi phí cho DN và mất cơ hội trong cạnh tranh với các DN ở các nước trong khu vực.
VASEP kiến nghị Bộ TNMT xem xét liên thông & cắt giảm các thủ tục để điều chỉnh đánh giá ĐTM, cũng như có ý kiến với Chính phủ việc sửa đổi những bất cập, chồng chéo kể trên để cắt giảm thủ tục điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư khi DN đầu tư mở rộng/ đổi mới máy móc thiết bị nhưng không làm thay đổi diện tích đất. Liên thông các thủ tục cấp phép: Giấy phép Xây dựng - PCCC - ĐTM nói trên vào một đầu mối.
Bất cập trong quy định về chỉ tiêu Phospho, Amoni, tổng Nitơ trong nước thải sau khi xử lý tại nhà máy chế biến thủy sản (QCVN 11:2015)
Đây cũng là nội dung khó khăn - vướng mắc mà VASEP đã báo cáo và kiến nghị Bộ TNMT bằng nhiều văn bản và tại nhiều cuộc họp trong 3 năm qua. Đó là quy định về chỉ tiêu Phospho, Amoni, tổng Nitơ trong nước thải sau khi xử lý tại nhà máy chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) đang ở mức thấp so với khả năng của thực tế; đa số các nhà máy với đầu tư công nghệ mới và hệ thống xử lý nước thải đầy đủ cũng rất khó để đạt. Nên kết quả thanh, kiểm tra hàng năm của ngành môi trường luôn có tỷ lệ lớn các DN không đạt, bị phạt vi phạm hành chính môi trường và đặc biệt là rủi ro cao nếu khách hàng quốc tế biết rằng các nhà máy vi phạm quy định môi trường của Việt Nam. Đây là vấn đề vướng mắc lớn của toàn ngành chế biến thủy sản trong 3 năm qua.
Tại Hội nghị rà soát các quy định gây khó khăn, vướng mắc cho các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ngày 01/4/2019 của Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng CN VPCP Mai Tiến Dũng đã nêu nội dung kiến nghị này là 1/2 vấn đề với lãnh đạo Bộ TNMT. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đã ghi nhận khó khăn của DN thủy sản và cam kết sẽ tiếp tục có đánh giá để sửa đổi phù hợp QCVN 11:2015 trong tương lai. Đồng thời, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng cam kết Bộ TNMT sẽ tiến hành khảo sát thêm hệ thống nước thải tại các nhà máy thủy sản để đánh giá sự phù hợp của các ngưỡng cho phép của chỉ tiêu Phospho, Amoni và Nitơ trong nước thải với từng loại hình chế biến thủy sản để soát xét lại QCVN 11-MT:2015/BTNMT cho phù hợp và Bộ TNMT đồng tình về việc sẽ có lộ trình áp dụng QCVN mới cho các DN để DN có thời gian chuẩn bị.
Tuy nhiên, việc sửa đổi QCVN 11:2015 hiện tại chưa được đưa vào kế hoạch ban hành QCVN trong năm 2019 của Bộ TNMT và ngưỡng quy định mức Phospho, Amoni, tổng Nitơ trong Dự thảo 1 của QCVN mới thay thế QCVN 11:2015 vẫn đang bằng hoặc nghiêm ngặt hơn so với ngưỡng quy định trong QCVN 11:2015.
VASEP kiến nghị Bộ TNMT sớm ban hành QCVN mới thay thế QCVN 11:2015 nhằm thực hiện các kết luận mà Lãnh đạo Bộ TNMT và Bộ NNPTNT đã đạt được tại cuộc họp ngày 17/4/2018, để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy chế biến thủy sản: Quy định ngưỡng của chỉ tiêu phospho trong dự thảo QCVN 11: 2017/BTNMT về nước thải CBTS lên mức 40-50 mg/l. Quy định rõ lộ trình áp dụng phù hợp (5 – 10 năm) cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế để các DN chủ động đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và giữ nguyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Nitơ như QCVN 11:2015.