Theo Bộ Công Thương, một hiệp định thương mại tự do (FTA) chỉ thực sự đem lại lợi ích nếu vận dụng được các ưu đãi được cam kết trong hiệp định. Cho đến nay, mặc dù các đối tác FTA đã thực hiện cam kết cắt giảm thuế tương đối nhiều, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các cơ hội này để xuất khẩu.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thấp
Cụ thể, báo cáo của Bộ Công Thương thừa nhận, tỷ lệ tận dụng ưu đãi theo các FTA chưa cao. Cho đến nay, Việt Nam đã tận dụng ở mức độ tốt các FTA với Hàn Quốc (trung bình 78%), mức độ khá với Nhật Bản (trung bình 32%), Trung Quốc (trung bình 27%), ASEAN (trung bình 20,7%), Australia (trung bình 20,5%) và Ấn Độ (trung bình 18%).
Đáng chú ý là các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn lớn có xu hướng vận dụng ưu đãi tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xét từ góc độ ngành, các ngành dệt may, da giày, cơ khí, nông sản chế biến vận dụng ưu đãi tương đối tốt để xuất khẩu.
Tuy vậy, theo Bộ Công Thương, kết quả hoạt động xuất khẩu sang các nước CPTPP, nhất là các nước mà Việt Nam chưa có FTA là tích cực nhưng còn hạn chế. Chỉ khoảng 40% số tỉnh, thành phố có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP, số lượng các doanh nghiệp quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP còn khiêm tốn. Ngoài ra, trong số các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao sang các nước CPTPP chưa có quan hệ FTA như Canada, Mexico còn thiếu một số mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như dệt may, nông thủy sản…Đặc biệt, phân tích về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ Công Thương cho biết trong năm 2019, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD sang các nước CPTPP (trong khi năm 2018 nhập siêu 0,9 tỷ USD).
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 86% doanh nghiệp đã biết hoặc tìm hiểu về CPTPP. Tuy nhiên, chỉ 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ về Hiệp định, điều này có ảnh hưởng lớn đến việc tận dụng cơ hội của CPTPP từ phía các doanh nghiệp.
Tìm hướng xoay chuyển
Các FTA được ví như "phao cứu trợ" để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu bất chấp dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tận dụng còn khiêm tốn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phát huy được ích lợi của "phao cứu trợ" này, ngay cả khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Vì vậy, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành xem xét tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thực hiện phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới. Đồng thời thúc đẩy EVFTA có hiệu lực sớm nhất có thể, để các doanh nghiệp tranh thủ tăng cường tiêu thụ thủy sản ở thị trường EU rộng lớn trước các lợi thế so sánh với một số quốc gia có XK cạnh tranh. Song song đó, chỉ đạo và có cơ chế để khôi phục hoặc tái lập quỹ phát triển thị trường thủy sản.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhấn mạnh việc Việt Nam tích cực tham gia mạng lưới các FTA, nhất là EVFTA khi được Quốc hội phê chuẩn sẽ là chìa khóa mở cánh cửa để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với thị trường châu Âu.
Song, vấn đề lớn nhất với ngành dệt may là khâu nhuộm hoàn tất, bởi EU đặt ra yêu cầu xuất xứ từ vải. Do đó, để tận dụng được các FTA, ông Việt cho rằng Chính phủ, địa phương cần phải hoạch định hướng chiến lược phát triển các khu công nghiệp, tập trung nguồn cung đang thiếu hụt, hình thành nên chuỗi cung ứng toàn cầu để đáp ứng yêu cầu của hiệp định.
Về việc tận dụng cơ hội từ các FTA, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy nhanh tiến trình, thủ tục, sớm hoàn thành việc trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Tập trung hoàn thiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn EVFTA để có hiệu lực ngay khi Hiệp định được thực thi. Đẩy mạnh tuyên truyền về EVFTA và cách tận dụng các cơ hội từ EVFTA mang lại. Các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ ở châu Âu tập trung nguồn lực để phát triển thị trường, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu mới trong bối cảnh EVFTA được thực thi.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Tận dụng triệt để các FTA đã ký kết và có hiệu lực, trong đó có CPTPP đã được đưa vào thực thi và EVFTA sắp được phê chuẩn và có hiệu lực (dự kiến trong năm 2020) để thúc đẩy xuất khẩu.
"Chuẩn bị các kịch bản và phương án để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU ngay khi kết thúc dịch bệnh, có tính đến việc tận dụng Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và khôi phục thị trường", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin thông qua nhiều hình thức đặc biệt là hình thức online về cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
(Theo TCTC)