Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu xảy ra hơn 2 năm trước, nhưng sự căng thẳng liên quan đến ngành thủy sản bắt đầu từ ngày 24/9/2018. Đây là thời điểm Mỹ áp thuế 10% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng thủy sản phổ biến như cá rô phi, mực, tôm, cá ngừ, ghẹ đỏ. Sau đó ngày 10/5/2019, Mỹ đã tăng thuế đối với các sản phẩm này lên mức 25%.
Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất?
Theo dữ liệu của NOAA, nếu dựa theo biểu thuế được tính từ tháng 10/2018-12/2019, các nhà NK rô phi Trung Quốc vào Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong vòng 15 tháng, các nhà NK rô phi đã nộp 77,1 triệu USD tiền thuế, trong khi đó các nhà NK mực nộp 33,5 triệu USD, các nhà NK tôm nộp 28,7 triệu USD.
Tất nhiên, việc nộp thuế càng nhiều thì tổn thất doanh số liên quan ảnh hưởng nhiều hơn.
Theo dữ liệu từ NOAA, trong năm 2019, Mỹ đã NK 430.415 tấn thủy sản từ Trung Quốc với giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 26% về khối lượng và 34% về giá trị so với 586.228 tấn và giá trị 2,9 tỷ USD trong năm 2018. Năm 2017, trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, Mỹ đã NK 570.287 tấn thủy sản từ Trung Quốc với giá 2,7 tỷ USD.
Các doanh nghiệp NK tôm từ Trung Quốc của Mỹ là những người bị thiệt hại nhiều nhất trong hoạt động kinh doanh của mình. Trong năm 2019, Mỹ đã NK 20.086 tấn tôm với giá trị 106,3 USD, giảm 60% về khối lượng (50.845 tấn) và giảm 69% về giá trị (339,7 triệu USD) so với năm 2018. Trong năm 2017, khối lượng và giá trị NK tôm tương tự năm 2018 với sản lượng NK 46.030 tấn (tăng 56% so với năm 2019) và giá trị 334,4 triệu USD (tăng 68% so với năm 2019).
Mặc dù chưa xác định được mức thuế mà Trung Quốc áp đặt đối với thủy sản Mỹ, tuy nhiên dữ liệu của NOAA cũng cho thấy, các DN Trung Quốc NK thủy sản Mỹ cũng bị thiệt hại trong hoạt động kinh doanh của mình.
Trong năm 2019, Trung Quốc đã NK 341.046 tấn thủy sản từ Mỹ với giá trị 889,8 triệu USD, giảm 11% về khối lượng và 23% về giá trị so với 384.932 tấn và giá trị 1,2 tỷ USD trong năm 2018. Năm 2017, Trung Quốc đã NK 473.638 tấn thủy sản từ Mỹ (tăng 28% so với năm 2019) với giá trị 1,3 tỷ USD (tăng 33% so với năm 2019).
Thỏa thuận thương mại chưa giúp các sản phẩm giảm thuế
Thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa Mỹ và Trung Quốc được công bố ngày 15/1/2020 được dự báo sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành thủy sản, tuy nhiên thỏa thuận này chưa mang lại những hiệu ứng tích cực như mong đợi.
Chưa đầy 1 tháng sau khi thỏa thuận được công bố, Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm một nửa thuế trừng phạt mà nước này mới áp đặt đối với 173 mặt hàng thủy sản của Mỹ. Sau đó, ngày 24/2/2020, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố sẽ miễn thuế áp đặt bổ sung đối với 44 sản phẩm thủy sản với trị giá 300 triệu USD, đặc biệt bao gồm cả sản phẩm tôm hùm sống.
Các DN Trung Quốc NK tôm hùm Mỹ đang phải trả 37% thuế quan, so với mức thuế 7% được áp dụng từ các quốc gia được ưa chuộng nhất đối với sản phẩm tôm hùm Canada. Do đó, việc miễn thuế được xem là một tín hiệu rất tích cực ít nhất cho đến thời điểm Trung Quốc giải quyết tình trạng dịch bệnh trong nước và các giao dịch được hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc vẫn chưa công bố chính thức liệu quốc gia này có chấp nhận các yêu cầu giảm thuế từ phía Mỹ và thực sự sẽ gỡ bỏ thuế đối với tôm hùm của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ dường như sẽ không đưa ra các biện pháp đáp trả bằng cách tăng thuế đối với thủy sản Trung Quốc. Theo các chuyên gia, Mỹ có khả năng sẽ thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận giai đoạn một.
Tuy nhiên, “Thông báo giảm thuế rộng rãi dự kiến sẽ không được thực hiện cho đến giai đoạn hai của thỏa thuận”. Theo Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, điều đó sẽ không xảy ra cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020 của Mỹ.
Bên cạnh đó, vẫn có những sản phẩm được giảm thuế
Các DN đơn lẻ được phép nộp đơn cho Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đến ngày 30/9/2019 để xin miễn thuế quan. USTR đã chấp thuận một số yêu cầu giảm thuế. Trong một thông báo về việc miễn thuế cho sản phẩm ngày 31/1/2020, USTR tuyên bố đã miễn thuế đối với phi lê cá bơn sole Alaska, cá bơn (plaice), thịt cua tuyết đông lạnh cũng như 6 mặt hàng khác được chế biến ở Trung Quốc, NK vào Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều yêu cầu của các nhà NK Mỹ xin miễn thuế đã bị từ chối. Các sản phẩm không được miễn thuế bao gồm cả tôm đông lạnh và tôm tẩm bột, mực làm sạch đông lạnh, thịt tôm hùm đất (không bỏ đuôi) đông lạnh), thịt cua ghẹ tiệt trùng và đông lạnh.
Gần đây nhất ngày 14/2/2020, USTR cho biết đã từ chối yêu cầu miễn thuế 25% đối với sò điệp đông lạnh Trung Quốc.
Hiện, các nhà NK chưa tìm được sản phẩm thay thế sò điệp Trung Quốc. Đây cũng là lý do họ yêu cầu USTR miễn thuế. Sò điệp Mỹ không đủ khả năng cạnh tranh với sò điệp Trung Quốc về sản lượng, kích cỡ và giá cả đắt hơn nhiều
Tuy nhiên, giống như các phản hồi từ chối khác, USTR cho rằng yêu cầu miễn thuế chưa chứng minh được rằng việc áp thuế bổ sung đối với sản phẩm sẽ gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho nhà NK hoặc các lợi ích khác của Mỹ.
Đài Loan, Indonesia và Honduras tăng thị phần XK cá rô phi tại thị trường Mỹ
USTR vẫn chưa đưa ra phán quyết về việc sẽ miễn thuế cho sản phẩm cá rô phi Trung Quốc theo yêu cầu của 4 công ty (The Fishin' Company, Dagim Tahorim Co., J&J Seafood International USA và Hilo Fish Company) hay không. Cơ quan này đã liệt kê 6 yêu cầu kết hợp của mỗi công ty đang ở “giai đoạn 2” hoặc “giai đoạn 3”. Điều này có nghĩa là các công ty vẫn đang trong quá trình xem xét 4 giai đoạn của USTR.
“Sản lượng cá rô phi của Mỹ không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ”, công ty Fishin có trụ sở tại Pennsylvania đã lập luận trong yêu cầu của mình. Mỹ chỉ sản xuất khoảng 1/20 lượng cá rô phi so với khối lượng rô phi NK. Ngoài ra, Mỹ cũng thiếu năng lực nuôi trồng thủy sản để tăng sản lượng cá rô phi, Fishin cho biết thêm.
Mức thuế áp đặt cao đã làm giảm lượng cá rô phi Trung Quốc NK vào Mỹ. Trong năm 2019, các nhà NK Mỹ đã NK 119.410 tấn với giá trị 333,3 triệu USD, giảm 16% về khối lượng so với 142.085 tấn và giảm 25% về giá trị so với 445,7 triệu USD NK trong năm 2018.
So với khối lượng và giá trị NK trong năm 2017 – thời điểm trước cuộc thương chiến, khối lượng NK năm 2019 thấp hơn 11% (133.747 tấn được NK trong năm 2017) và thấp hơn 22% (giá trị NK trong năm 2017 đạt 426,5 triệu USD).
Trong năm 2019, Trung Quốc chiếm 69% thị phần NK cá rô phi của Mỹ. Tuy nhiên mức thị phần này đã giảm so với năm 2018 khi quốc gia này sở hữu 75% thị phần.
Rô phi Trung Quốc đã dần đánh mất sự thống trị của mình ở thị trường Mỹ và là một trong số ít loài chịu ảnh hưởng tiêu cực từ báo chí trong vài năm qua. Vào thời kỳ cao điểm năm 2012, Mỹ đã NK173.398 tấn cá rô phi Trung Quốc với giá trị 653,4 triệu USD - gần gấp đôi giá trị NK trong năm 2019.
Trong năm 2019, các nhà chế biến của Trung Quốc cũng sẵn sàng giảm giá cá rô phi để giúp các nhà NK đối phó với các chi phí thuế quan tăng thêm. Theo dữ liệu của NOAA, sự giảm giá thể hiện qua bảng giá trung bình được trả cho mỗi kg cá rô phi Trung Quốc trong năm 2019. So với mức 3,14 USD/kg trong năm 2018, mức giá 2,79 USD/kg năm 2019 thấp hơn 11%. Mức giá này chưa tính thuế quan phải trả.
Các nhà NK cá rô phi của Mỹ từ Đài Loan, Honduras và Indonesia – các nguồn cung lớn thứ 2, thứ 3 và thứ 4 theo thứ tự cho Mỹ, đều tăng thị phần của mình trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi đó thị phần của rô phi Colombia giảm.
Giống như Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia – hai quốc gia chiếm lần lượt 9% và 4% thị phần trong năm 2019, XK chủ yếu cá rô phi đông lạnh, dù Đài Loan thường XK cá rô phi nguyên con, chưa cắt tỉa sang Mỹ. Trong khi đó, Honduras và Colombia – hai quốc gia sở hữu lần lượt 5% và 4% thị phần trong năm 2019, chủ yếu XK cá rô phi tươi với khối lượng XK lần lượt là 77% và 99%.
Mặc dù giá cá rô phi Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, trong năm 2019 cá rô phi Đài Loan có giá rẻ nhất với 2,53 USD/kg, cá rô phi từ Indonesia có giá 6,81 USD/kg. Cá rô phi Honduras có giá 5,82 USD, cao hơn mức 5,64 USD/kg trong năm 2018 trong phi cá rô phi từ Colombia có giá 6,17 USD/kg, giảm 19% so với mức 7,63 USD/kg trong năm 2018.
Một lý do khiến cá rô phi Trung Quốc không mất đi sự kiểm soát tại thị trường Mỹ đó là các nhà sản xuất từ các quốc gia khác hiểu rằng cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là tạm thời, do đó các quốc gia này cũng không mạo hiểm đầu tư một khoản chi phí lớn vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ sản xuất thêm.
Sự bùng phát dịch Covid-19 đã làm chậm quá trình sản xuất cá rô phi ở Trung Quốc và các nhà máy cũng chưa thể đạt công suất 100%, tuy nhiên các nhà máy đã bắt đầu hoạt động trở lại.