Kiểm soát tốt hơn giúp ngăn chặn thủy sản bất hợp pháp

31/03/2020, 08:21

Một liên minh của các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) đang lập luận rằng các nước nhập khẩu thủy sản chính và các Tổ chức Quản lý Nghề cá khu vực (RFMOs) cần đảm bảo rằng các quy định nhập khẩu của họ yêu cầu thu thập 17 mục dữ liệu quan trọng cho biết người đánh bắt, loài đánh bắt, thời điểm đánh bắt, địa điểm đánh bắt, và thủy sản trong chuỗi cung ứng như thế nào. Hiện tại, việc thiếu dữ liệu làm cản trở việc kiểm tra chéo đối với các hồ sơ ủy quyền khiến cho không thể xác nhận tính hợp pháp của thủy sản nhập khẩu.

Trong số các thông tin quan trọng nhất là dữ liệu để xác định người đánh bắt thông qua một mã định danh tàu duy nhất. Mã này do Tổ chức Hàng hải Quốc tế cấp cho tàu, gắn với tàu khai thác bất kể tàu có thay đổi quốc tịch, chủ sở hữu, hay tên tàu. Sau đó, khi biết tên loài sẽ giúp ngăn chặn việc dán nhãn sai hay gian lận, trong khi biết ngày, địa điểm, khu vực, và phương pháp đánh bắt giúp xác định tính hợp pháp.

Bà Samantha Burgess, người đứng đầu cơ quan Chính sách Hàng hải Châu Âu tại Văn phòng Chính sách Châu Âu của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), cho biết hệ thống kiểm soát kỹ thuật số cho phép trao đổi dữ liệu nhanh chóng và kiểm tra chéo cũng rất quan trọng.

Ngày càng nhiều quốc gia và tổ chức quản lý nghề cá khu vực đang áp dụng các chương trình kiểm soát nhập khẩu, nhưng thường xuyên không liên kết với nhau. Nếu các hệ thống này không liên kết với nhau, ngành thủy sản có thể trở thành gánh nặng bởi sự quản lý rời rạc và không có khả năng chia sẻ hay tham khảo chéo thông tin. Mỹ và Liên minh Châu Âu, hai nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới, đã có 2 chương trình kiểm soát nhập khẩu đơn phương, trong khi Nhật Bản, nhà nhập khẩu lớn thứ 3, tham gia các kế hoạch kiểm soát nhập khẩu đa phương thông qua RFMOs.

EU, Mỹ và Nhật Bản đang chiếm 64% thị trường thủy sản. Nếu không bao gồm thương mại trong nội khối EU, ba khu vực này chiếm 56% nhập khẩu thủy sản toàn cầu.

Các chương trình kiểm soát của EU và Mỹ đã liên kết chặt chẽ với 17 mục dữ liệu được đề xuất bởi liên minh, với sự liên kết tương ứng 76% và 71%. Nhưng các quốc gia dựa vào chương trình đa phương thông qua RFMOs, bao gồm Nhật Bản, có mức độ liên kết thấp hơn đáng kể, từ 41-76%.

Trong năm 2008, EU đã đưa ra chương trình chứng nhận đánh bắt bao gồm tất cả các loài hải sản đánh bắt tự nhiên nhập khẩu từ các nước ngoài khối EU vào các nước EU, và bắt đầu có hiệu lực năm 2010. Năm 2016, Mỹ đã đưa ra Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP), bao gồm 13 loài thủy sản đặc bị dễ bị gian lận và đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Nhật Bản hiện tại đang phát triển chương trình riêng của mình và hiện đang dựa vào chương trình hồ sơ đánh bắt của RFMOs, nghĩa là họ chỉ giám sát một số lượng nghề cá hạn chế như: cá ngừ vây xanh miền Nam, cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương, cá răng Patagonian, và cá ngừ mắt to.

EU hiện yêu cầu 13 – 17 mục dữ liệu mà báo cáo đề xuất, trong khi Mỹ yêu cầu 12 mục. Hai hệ thống này được điều chỉnh theo 10 mục trong 17 mục dữ liệu, cho thấy có nhiều cơ hội để hài hòa và chia sẻ thông tin giữa hai khu vực này. Sự liên kết chặt chẽ giữa 2 hệ thống có thể cắt giảm chi phí cho các ngư dân và các công ty thủy sản đang đưa sản phẩm của mình vào cả hai khu vực này.

Nếu các nước nhập khẩu thủy sản chính và RFMOs không hài hòa được các quy định nhập khẩu của họ, điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và gánh nặng quan liêu thêm cho cả ngư dân và các công ty thủy sản, trong khi tạo ra các lỗ hổng mà các nhà đánh bắt vô đạo đức có thể khai thác.

Hệ thống kiểm soát nhập khẩu mới, đặc biệt là các hệ thống đang phát triển tại Nhật Bản, cần được liên kết với các hệ thống đơn phương hiện có, chẳng hạn như các hệ thống tại EU và Mỹ. Các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu, như Thái Lan, đã nhận ra sự cần thiết phải liên kết chặt chẽ với các yếu tố dữ liệu quan trọng và đã chấp nhận trao đổi dữ liệu điện tử.

Hiện tại, không có cơ quan quốc tế nào bắt buộc các nước nhập khẩu thu thâp các dữ liệu theo các mục này. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã thông qua hướng dẫn tài liệu đánh bắt tự nguyện năm 2017, nêu 8 yếu tố cốt lõi, bao gồm thông tin về đánh bắt và lượng cập cảng, hoạt động trung chuyển, xuất khẩu các sản phẩm, nhận dạng xuất khẩu, và chi tiết xuất khẩu. Liên minh đã sử dụng các hướng dẫn của FAO làm cơ sở.

Mặc dù FAO có thể tăng cường các hướng dẫn của mình, nhưng trách nhiệm cuối cùng thuộc về các nước nhập khẩu, về cơ bản đóng vai trò là cửa ngõ cho người tiêu dùng.

Liên hệ: Tổ công tác IUU - VASEP, Email: combat_iuu@vasep.com.vn

Nguyễn Hà

(Theo IUUWatch)

 

Ý kiến bạn đọc