Ngay khi còn trong giai đoạn cải tạo ao, nhiều dự báo đã cho thấy vụ tôm năm 2019 sẽ trúng mùa khi các yếu tố về thời tiết, môi trường đều khá thuận lợi. Và thực tế đã chứng minh những dự báo trên là hoàn toàn chính xác khi hầu hết các vùng nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều trúng mùa. Tại Sóc Trăng, theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản tỉnh, sản lượng tôm năm nay đạt trên 150.000 tấn, dù diện tích thả nuôi chỉ vào khoảng 57.000ha. Một số tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn ở ĐBSCL như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau… đều ghi nhận có sản lượng tôm nuôi tăng so với năm 2018. Đánh giá về tình hình vụ nuôi, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Sản lượng tôm năm nay đúng ra sẽ tăng rất cao nếu như giá tôm những tháng đầu năm không xuống thấp và bệnh EHP không xuất hiện ở giai đoạn gần cuối vụ nuôi chính. Tuy nhiên, vụ tôm năm nay vẫn được đánh giá là thành công với sản lượng ước khoảng 860.000 – 870.000 tấn”.
Không chỉ có sản lượng tăng, mà chất lượng tôm nuôi cũng được nâng lên đáng kể, như nhận xét của ông Hà Hữu Tri – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex): “Năm nay tình hình nuôi tôm khá thuận lợi và chất lượng tôm nuôi cũng tốt hơn, nên hầu như không có doanh nghiệp xuất khẩu tôm nào bị trả hàng như những năm trước. Điều này cùng với việc thế giới thiếu hụt nguồn cung đã làm cho giá tôm tăng mạnh trở lại, nhất là từ tháng 9 đến nay, trong đó, tôm ở size từ 40 con/kg trở về lớn có giá tăng mạnh nhất, do được tiêu thụ tốt tại các thị trường”.
Năm 2019, phần lớn người nuôi tôm trúng mùa nên sản lượng tôm cả nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dù chỉ 1 con số.
Tuy nhiên, niềm vui của người nuôi tôm và doanh nghiệp xuất khẩu không được trọn vẹn do giá tôm thế giới và trong nước cứ liên tục giảm mạnh trong hơn 7 tháng đầu năm và dịch bệnh xuất hiện làm cho việc thả nuôi có phần chững lại và gây thiếu hụt nguyên liệu lúc cuối vụ, nên dù sản lượng tôm vẫn tăng, nhưng giá trị xuất khẩu tôm cả nước ước tính chỉ đạt 3,6 tỉ USD, tức giảm khoảng 600 triệu USD so với kế hoạch. Tuy không đạt kế hoạch xuất khẩu, nhưng về tổng thể, hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định và có lãi; người nuôi cũng không quá bấp bênh như những năm trước.
Theo đánh giá, lực lượng nuôi tôm hiện nay cũng khá chuyên nghiệp, điều đó được thể hiện qua việc họ chỉ thả nuôi khi điều kiện nuôi và thị trường thuận lợi, bởi chu kỳ của vụ nuôi tôm thẻ là khá ngắn. Chỉ có điều họ đang thiếu vốn và thiếu sự liên kết lẫn nhau, kể cả với doanh nghiệp, nên tính hiệu quả và bền vững chưa cao. Vì vậy, làm sao đẩy mạnh công tác chất lượng trong xuất khẩu tôm, tổ chức lại sản xuất quy mô trang trại, HTX để có điều kiện đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ, giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao an toàn sinh học và tỷ lệ thành công.
Cũng theo các doanh nghiệp, nhu cầu thị trường tôm thế giới hàng năm tăng chưa đến 5%, nên trên cơ sở đó, mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2020 vẫn là 10 tỉ USD, trong đó con tôm vào khoảng 4 - 4,2 tỉ USD cũng đã là một nỗ lực. Còn theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, các doanh nghiệp tôm của Việt Nam hiện ở top của thế giới, nên nếu tôm của chúng ta tốt thì vấn đề tiêu thụ không phải là quá lớn, dư địa để tăng trưởng là hoàn toàn có thể thực hiện được ở mức độ cho phép. Ngoài ra, sức tiêu thụ tôm năm 2020 cũng có khả năng tăng cao hơn nhờ vào 2 sự kiện thể thao quốc tế lớn là: Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 và vòng chung kết Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu (UEFA Euro 2020).
Nhận định về thị trường xuất khẩu tôm năm 2020, các doanh nghiệp đều nghiêng về yếu tố thuận lợi nhiều hơn. Thuận lợi trước tiên được các doanh nghiệp nhắc đến chính là thuế suất chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ đã về 0%. Thứ hai là Hiệp định EVFTA khả năng có hiệu lực từ tháng 6-2020, sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu nhờ lợi thế về thuế suất. Thứ ba là thị trường Trung Quốc hiện từ 75 - 80% hàng hóa thủy sản chúng ta đã xuất khẩu chính ngạch là yếu tố quan trọng giúp cho việc hồi phục và tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường này trong thời gian tới. Liên quan đến việc liệu có diễn ra sự cạnh tranh nội bộ hay không ở thị trường châu Âu khi EVFTA có hiệu lực, ông Lực cho biết: “Cạnh tranh vốn dĩ là bản chất của thương trường mà ở đó, các doanh nghiệp luôn đối đầu cạnh tranh nội bộ lẫn từ các cường quốc tôm. Do đó, muốn có năng lực cạnh tranh tốt, doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh bài bản, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu; đồng thời coi trọng chọn lựa tôm nguyên liệu sạch, có thể truy xuất nguồn gốc và chú trọng xây dựng thương hiệu...”.
(Theo báo Sóc Trăng)